Thiết kế cảnh quan đòi hỏi sự sáng tạo, phá cách nhưng vẫn phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định để tạo nên một cảnh quan vừa đẹp, vừa tiện dụng và chuyên nghiệp.
Nếu không muốn sở hữu một cảnh quan sân vườn vụng về, giả tạo, mang tính tự phát thì đừng bỏ qua những chia sẻ từ công ty thiết kế cảnh quan của chúng tôi sau đây.
1. Tính thống nhất
Tính thống nhất được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các yếu tố của cảnh quan như chủng loại, kết cấu, kích thước, màu sắc của cây, đá, vật trang trí… Hay nói một cách đơn giản, dễ hiểu là cảnh quan phải tuân theo một chủ đề nhất định như cảnh quan vườn nhiệt đới, cảnh quan ốc đảo, cảnh quan miền quê Bắc bộ, Nam bộ… Và muốn thể hiện chủ đề này thì mọi yếu tố trong cảnh quan phải có sự liên quan mật thiết và thống nhất chặt chẽ với nhau.
2. Tính đơn giản
Trong thiết kế kiến trúc lẫn nghệ thuật, tính đơn giản luôn được đề cao. Điều này sẽ giúp người nhìn có thể dễ dàng tập trung vào điểm nhấn, vào chi tiết mang tính chủ đạo, từ đó hiểu được thông điệp hay ý tưởng mà người thiết kế muốn truyền đạt. Thiết kế cảnh quan cũng không ngoại lệ. Sự đơn giản có thể chỉ đến từ 2 – 3 loại cây, 2 – 3 màu sắc, một vài tảng đá ở những vị trí quan trọng nhưng mang lại hiệu quả cao nhờ cách bố trí khoa học, hợp lý và tự nhiên.
3. Tính cân bằng
Cân bằng đối xứng
Tất cả các chi tiết từ hình dạng, kích thước đến màu sắc phải thực sự cân bằng với nhau. Thực chất điều này hoàn toàn không có trong tự nhiên, nhưng nó vẫn được áp dụng vào thiết kế cảnh quan để mang đến một cái nhìn ổn định, trật tự và dễ chịu. Chẳng hạn như 2 bên lối đi phải trồng cùng 1 loại cây, có cùng màu sắc, cùng kích thước. Việc này đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc, bảo dưỡng và cắt tỉa thường xuyên để ngăn chặn sự phát triển không đồng đều, đánh mất sự cân bằng đối xứng.
Cân bằng không đối xứng
Là một dạng thiết kế trừu tượng, tự do nhưng vẫn tạo nên một thể thống nhất. Điều này dễ dàng nhận thấy trong các cảnh quan sân vườn Nhật, cứ tưởng chừng mọi thứ được bố trí ngẫu hứng nhưng kỳ thực lại tuân theo một “quy tắc ngầm” nên khi nhìn khu vườn từ mọi phía vẫn đảm bảo được trạng thái cân bằng. Kiểu thiết kế này mang lại vẻ đẹp tự nhiên cho khu vườn nhưng đòi hỏi người thiết kế phải sáng tạo và khéo léo.
4. Tính cân đối
Tính cân đối hoàn toàn khác tính cân bằng. Tính cân đối ở đây là tỷ lệ giữa các yếu tố trong cùng một thiết kế. Chẳng hạn một khu vườn nhỏ nhưng lại thiết kế ao nước quá to, hay một bức tượng (tảng đá) quá nhỏ nằm lọt thỏm trong một khu vườn rộng… bị coi là mất cân đối, mang đến một thiết kế thảm họa. Tính cân đối có thể được điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với từng khu vực khác nhau của một thiết kế nhằm đạt được sự hài hòa trong mọi kích thước của một thiết kế cảnh quan.
5. Tính lặp lại
Việc sử dụng tính lặp lại trong thiết kế cảnh quan đòi hỏi người thiết kế phải biết đâu là chừng mực, bởi lặp lại quá nhiều một chi tiết sẽ sinh ra cảm giác đơn điệu, nhàm chán và lãng phí. Nhưng nếu sử dụng quá nhiều chi tiết lại thành “cảnh hỗn độn”, lộn xộn, rối rắm. Để vận dụng được tính lặp lại, đòi hỏi sự khéo léo và thận trọng.
6. Chuyển tiếp tự nhiên
Bất cứ sự thay đổi đột ngột nào trong thiết kế nội thất, ngoại thất cũng khiến người nhìn cảm thấy ức chế, khó chịu. Chính vì vậy, trong thiết kế cảnh quan, cần tạo sự chuyển tiếp từ từ, dần dần để đảm bảo sự thông suốt và tính liên tục. Cách đơn giản để làm được điều này là trồng cây theo thứ tự kích thước tăng dần hoặc giảm dần, chẳng hạn như cây lớn, cây bụi, cây hoa nhỏ rồi mới đến thảm cỏ.
Ngoài ra, cũng có thể nhờ vào hiệu ứng màu sắc để tạo sự chuyển tiếp, chẳng hạn chuyển đổi từ từ từ cây có tông màu ấm sang cây có tông màu lạnh để giúp cảnh quan sân vườn trở nên mượt mà và thực tế hơn. Hay có một cách chuyển tiếp được nhiều nhà thiết kế áp dụng đó là trồng cây có lá to dày bên ngoài, tiếp đến là cây có lá nhỏ mỏng bên trong, tạo nên một ranh giới vô cùng tự nhiên và ấn tượng.
7. Màu sắc
– Màu ấm: Sử dụng vào cảnh quan sân vườn trước để tạo sự ấm cúng, gần gũi và thân thiện.
– Màu lạnh: Sử dụng cho cảnh quan sân vườn nhỏ, tạo cảm giác linh hoạt và sáng sủa.
– Màu khác: Kết hợp nhiều màu khác nhau để tạo hiệu ứng cao về thị giác, chẳng hạn trên thảm cỏ xanh và một vườn hoa màu trắng, sẽ điểm xuyết thêm một vài màu nổi bật khác để tạo ấn tượng mạnh.
8. Đường
– Các đường thẳng: Tạo cảm giác mạnh mẽ nhưng lại an toàn và dễ chịu trong thiết kế cảnh quan.
– Các đường lượn sóng: Tạo chiều sâu và cảm giác phóng khoáng cho sân vườn.
Theo Lê Trinh/tcxd.vn