Trong hoạt động xây dựng, thuật ngữ Dự toán đã trở lên rất quen thuộc, nó được nhắc đến và được sử dụng vào hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng. Vậy, dự toán là gì, mục tiêu và cách lập dự toán như thế nào; tại sao phải lập dự toán; trong bài viết này SONG NAM sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu các vấn đề trên nhé:
1. Dự toán là gì?
Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 nêu khái niệm về dự toán xây dựng như sau:
“Điều 135. Dự toán xây dựng
Dự toán là chi phí cần thiết để xây dựng công trình, thực hiện gói thầu, công việc xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng tính toán từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, yêu cầu công việc phải thực hiện và định mức, giá xây dựng.”
Nội dung dự toán được quy định cụ thể tại Nghị định 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ là:
“Điều 11. Nội dung dự toán công trình
Dự toán xây dựng công trình là toàn bộ chi phí cần thiết dự tính để xây dựng công trình được xác định theo thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Nội dung dự toán xây dựng công trình gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng. Các khoản mục chi phí trên được quy định chi tiết tại các điểm b, c, d, đ, e, g khoản 2 Điều 5 Nghị định này, trừ các chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác tính chung cho cả dự án.
Đối với dự án có nhiều công trình, chủ đầu tư xác định tổng dự toán để quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong trường hợp cần thiết. Tổng dự toán gồm các dự toán xây dựng công trình và chi phí tư vấn, chi phí khác, chi phí dự phòng tính chung cho cả dự án.”
Như vậy, dự toán công trình là việc tính toán các chi phí cần thiết để xây dựng công trình và được thực hiện từ sau thiết kế cơ sở; việc tính toán các chi phí xây dựng trong các khâu trước thiết kế cơ sở là việc tính tổng mức đầu tư sơ bộ (hay còn gọi là khái toán).
Đối với mỗi công trình xây dựng thì tối thiểu cần thực hiện các công việc sau:
- Lập hồ sơ xin phép xin phép xây dựng;
- Lập bản vẽ thiết kế thi công;
- Lập dự toán xây dựng công trình;
- Triển khai thi công;
- Hoàn công và bàn giao đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên thực tế hiện nay các dự án xây dựng nhà ở, Chủ nhà thường khoán luôn cho nhà thầu thi công và tính giá xây dựng theo m2 sàn mà bỏ qua luôn bước lập dự toán vì cho rằng Lập dự toán chẳng để làm gì cả.
2. Mục tiêu của việc lập dự toán là gì?
Biết chính xác tổng chi phí xây dựng
Biết được chính xác chi phí cho từng hạng mục, công việc từ đó điều chỉnh, cân đối bỏ đi các công việc không cần thiết – Giúp chủ động kinh phí và tối ưu chi phí cho từng hạng mục công việc.
Biết rõ tổng vật tư để nhập về
Trong xây dựng việc nhập vật tư, nhiều lần, nhập thiếu, nhập thừa đều làm phát sinh chi phí: nhập nhiều lần thì phát sinh chi phí vận chuyển; Nhập thiếu làm chậm tiến độ; Nhập thừa gây lãng phí. Lập dự toán sẽ giúp bạn hạn chế được điều này, bởi bạn chỉ cần căn cứ Bảng tổng hợp vật tư để chuận bị nhập số lượng và chủng loại vật từ phù hợp và vừa đủ.
Giám sát, triển khai công việc dễ dàng
Bảng dự toán được lập trên cơ sơ đo bóc khối lượng, kích thước chính xác từ bản vẽ thiết kế thi công nên khi giám sát thực hiện, bạn kết bản vẽ thiết kế và bảng dự toán được lập rất dễ dàng phát hiện khi có sai sót để kịp thời điều chỉnh.
Nắm ưu thế khi đàm phán hợp đồng
Việc nắm rõ chi phí để thực hiện, nắm rõ chi tiết khối lượng công việc, nắm rõ khối lượng vật tư phải cung cấp giúp bạn dễ dàng đưa ra mức giá đàm phán và các ràng buộc hợp đồng về vật tư, tiến độ đảm bảo quyền lợi.
Vay vốn ngân hàng nhanh chóng
Trong trường hợp bạn cần vay vốn qua ngân hàng thì Bảng dự toán được lập chính là cơ sở để ngân hàng duyệt vay vốn. Khi bạn đã lập dự toán thì việc vay ngân hàng sẽ rất dễ dàng được duyệt nhanh chóng.
Dễ dàng phân chia gói thầu, giai đoạn thực hiện
Một công trình xây dựng được phân chia ra từng gói thầu (Phần móng; Phần thô; Phần hoàn thiện, phần nội thất ….) sẽ giúp bạn dễ dàng giám sát thực hiện, lựa chọn đơn vị thi công có năng lực theo từng gói thầu cụ thể và đơn giá hóa trong quá trình triển khai, đảm bảo tiến độ thực hiện.
Lưu ý khi sử dụng dự toán xây dựng
Dự toán công trình được lập dựa theo tính toán ước tính trước khi tiến hành công tác đầu tư xây dựng công trình. Vì vậy khi triển khai thực tế tại dự án/công trình thì giữa dự toán và thực tế xây dựng có thể phát sinh chênh lệch, nhất là ở các hạng mục thi công các vị trí ngầm (công trình đào hầm, đào mương …), các vị trí bị che khuất (vị trí móng). Để phù hợp giữa dự toán và thực tế thi công, bảo đảm sự đồng bộ giữa dự toán với thực tế thi công, hồ sơ hoàn công công trình thì chủ đầu tư, nhà thầu và các bên có liên quan cần thực hiện một số công việc sau:
– Khi triển khai thi công, nếu phát hiện sự sai khác, sự chênh lệch, không phù hợp giữa dự toán và thực tế thì các bên liên quan cần lập biên bản hiện trường, xác nhận sự việc và đề xuất điều chỉnh thay đổi (nếu cần thiết).
– Đơn vị tư vấn thiết kế, dự toán công trình căn cứ thực tế hiện trường để lập thiết kế, dự toán điều chỉnh, bổ sung.
– Chủ đầu tư thực hiện xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế, dự toán công trình.
– Chủ đầu tư và nhà thầu thi công thực hiện điều chỉnh, bổ sung Hợp đồng giao nhận thầu (trong trường hợp Hợp đồng giao nhận thầu trước đó có điều khoản bổ sung, điều chỉnh hợp đồng khi thực tế thi công có sai khác với dự toán thiết kế ban đầu).
– Các cơ quan có nhiệm vụ thanh toán công trình căn cứ vào hồ sơ phê duyệt thiết kế, dự toán điều chỉnh, bổ sung để thực hiện việc thanh toán theo khối lượng, giá trị điều chỉnh, bổ sung.
– Hồ sơ thiết kế, dự toán điều chỉnh, bổ sung của dự án/công trình được thực hiện lưu giữ tại chủ đầu tư, nhà thầu, các cơ quan có liên quan như hồ sơ thiết kế, dự toán ban đầu.
Việc lập dự toán xây dựng chắc chắn có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đầu tư xây dựng. Dự toán xây dựng cần được lập phù hợp với thiết kế xây dựng, nhờ đó góp phần giúp cho chủ đầu tư và các bên có liên quan quản lý tốt được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Việc lập dự toán là công việc tương đối phức tạp vì được xây dựng trên rất nhiều số liệu về khối lượng xây dựng, nhiều khoản mục chi phí, nhiều quy định về tính toán chi phí và có sự khác biệt theo địa giới hành chính cho từng dự án đầu tư.
Đối với người làm công tác kế toán xây dựng cần có sự hiểu biết nhất định đối với dự toán từng dự án/công trình, thực hiện các công tác kế toán phù hợp với dự toán xây dựng, từ đó có thể góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.