Địa chỉ
Gọi trực tiếp
Chat FB
Chat Zalo

Hậu quả tai hại khi xây nhà bằng thiết kế đi mượn

Nhiều người Việt nghĩ rằng có thể mượn bản vẽ thiết kế của nhà hàng xóm áp dụng xây nhà mình.

Hậu quả tai hại khi xây nhà bằng thiết kế đi mượn

Ảnh minh họa

“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là ba điều rất quan trọng mà các thế hệ đi trước ở Việt Nam thường hay nhắn nhủ con cháu. Tới nay, làm nhà vẫn là việc hệ trọng vì công sức, tiền bạc bỏ ra khá nhiều và không phải ai cũng chuyển nhiều nhà trong đời.

Khi xây nhà, nhiều người chỉ quan tâm tới số lượng tầng, phòng ngủ, màu sắc… Tuy nhiên, mỗi khu đất lại có những đặc điểm riêng về hướng nắng, gió, nền đất yếu hay chắc chắn…

Một số hậu quả khi chủ nhà sưu tầm bản vẽ rồi tự áp dụng:

1. Sai kết cấu nhà gây lãng phí, đổ sập

Có nhiều nhà có nền đất tốt lại sử dụng bản vẽ trên nền đất yếu nên vô tình lãng phí nhiều tiền mua vật liệu, đóng cọc. Ngược lại, với các khu đất từng là ao hồ, nếu không có giải pháp gia cố chắc chắn, có thể gây sập nhà.

Một mối nguy hiểm nữa là chủ nhà cơi nới thêm mà không tính toán kết cấu chịu tải. Làm công trình giống như bản vẽ đi xin, nhưng một số chủ nhà tự ý xây tường dày hơn, làm thêm bồn nước dự trữ trên mái. Trọng tải thay đổi về lâu dài có thể gây nứt, đổ tường…

2. Không tính hướng nắng gió khiến nhà bí bức

Khi chuẩn bị làm nhà, anh Hoàng ở quận Bình Tân (TP HCM) tham khảo rất nhiều thông tin trên mạng để sưu tầm cho mình những mẫu nhà ưng ý. Khi chọn được bản phối cảnh ưng ý, hai vợ chồng cho thợ xây theo bản vẽ mặt bằng sẵn có mà không phải mất chi phí nào cho tư vấn thiết kế kiến trúc.

Khi nhà làm xong, gia đình vào ở thì đối mặt với hậu quả của việc copy nguyên mẫu mà không tính toán tới hướng nắng gió. Dù mở cửa sổ nhưng nhà không có gió, buổi chiều hứng trọn ánh nắng gay gắt dội vào phòng ngủ. Máy nước nóng năng lượng mặt trời chỉ có tác dụng vào buổi sáng, không hiệu quả vào buổi chiều.

Khi nhờ bạn xem lại, anh Hoàng phát hiện mình làm sát bản vẽ copy nên không mở cửa sổ đúng hướng gió mát mà lại chọn hướng nóng. Còn dàn máy nước nóng lại quay về hướng đông nên không khai thác hết hiệu suất.

3. Phải lắp đặt lại hệ thống điện

Anh Phương ở TP Buôn Ma Thuột xin nguyên bản vẽ kỹ thuật của một người quen đã xây trước đó. Tuy nhiên, gia đình anh lại có số lượng thiết bị điện gần gấp đôi nhà người quen (máy điều hòa, bình nước nóng, bếp…). Khi nhà có việc, cần sử dụng hết các thiết bị thì dễ bị quá tải, một số dây dẫn điện bị nóng chảy. Bởi vậy, anh Phương phải làm hệ thống dây dẫn mới, lại không đi âm tường được do nhà đã xây xong.

4. Chạy theo phong thủy thiếu cơ sở khoa học

Trong thiết kế, các kiến trúc sư đã tính toán sao cho các luồng giao thông hợp lý, công năng tối ưu. Các yếu tố thiên nhiên được khai thác tốt đảm bảo nhà thông gió, nhiều ánh sáng, tránh được những yếu tố bất lợi. Do đó, mọi thay đổi không đồng bộ đều kéo theo sự mâu thuẫn.

Khi làm nhà, nhiều người Việt quan tâm đến hướng bếp, cửa ra vào, giường ngủ… Khi sử dụng bản vẽ copy, nhiều chủ nhà tự ý xoay chỉnh theo ý mình. Bố trí mới nhiều khi bất hợp lý, đảo lộn, gây khó khăn cho việc sinh hoạt hàng ngày.

(Theo Báo Xây Dựng)