Luật Xây dựng là “luật khung” xuyên suốt của toàn bộ các mặt liên quan đến hoạt động xây dựng và Bộ Xây dựng đang nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi để thay thế Luật Xây dựng 2003 nhằm khắc phục những hạn chế và phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật rất lớn, bởi đầu tư có xây dựng hiện chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (đang chiếm gần 30% GDP). Để sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn này, nhiều quy định đã được sửa đổi theo nguyên tắc dự án sử dụng các nguồn vốn khác nhau sẽ được quản lý theo các phương thức khác nhau.
Ông Bùi Trung Dung, Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề sửa Luật Xây dựng.
Thay đổi lớn nhất tại Luật Xây dựng sửa đổi là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, xin ông cho biết rõ hơn về mục tiêu này?
– Luật Xây dựng khi sửa đổi đã tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật để điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng sử dụng các loại nguồn vốn khác nhau. Chủ đầu tư là người bỏ vốn ra để thực hiện công trình, tuy nhiên, trong hoạt động đầu tư xây dựng thì có nhiều loại nguồn vốn khác nhau. Thể hiện rõ nhất là vốn tư nhân và vốn nhà nước.
Có thể thấy rõ các công trình có nguồn vốn tư nhân thường được quản lý rất chặt chẽ do nó ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền cá nhân.” Còn đối với công trình sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước thì chủ đầu tư là người được ủy quyền, thay mặt nhà nước sử dụng nguồn tiền này để đầu tư xây dựng công trình.
Luật Xây dựng cũ chưa phân biệt rõ các nguồn vốn này để có quy định và giải pháp quản lý chặt chẽ. Do đó, các công trình sử dụng vốn nhà nước thường xảy ra tình trạng thất thoát, kéo dài thời gian thực hiện, bê trễ hoặc chất lượng không đảm bảo. Như vậy, khó phát huy hiệu quả vốn đầu tư.
Bởi vậy, nội dung xuyên suốt các chương của Luật Xây dựng sửa đổi là siết chặt quản lý nguồn vốn nhà nước bằng cách xây dựng các Ban quản lý dự án (Quản lý dự án) chuyên nghiệp.
Thế nhưng hiện nay, nhiều Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng hoạt động còn rất hạn chế. Vậy làm cách nào để có thể đáp ứng yêu cầu đặt ra thưa ông?
– Ban Quản lý dự án chuyên nghiệp là cái đích hướng đến chứ không để tình trạng cứ có công trình thì mới lập Ban Quản lý dự án. Bởi thực tế các Ban Quản lý dự án này chất lượng hoạt động không cao, năng lực yếu, thậm chí phải kiêm nhiệm. Ví dụ, khi có công trình, có nơi đưa cả cô giáo (ngành giáo dục) hoặc bác sỹ (ngành y) vào làm Ban Quản lý dự án… nên thiếu chuyên nghiệp dẫn đến tình trạng tràn lan. Đây cũng là một dạng thất thoát vì khi tổ chức bộ máy cồng kềnh thì quản lý khó tốt.