Kiến trúc là loại hình nghệ thuật có mặt sớm nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại, mà bắt đầu từ “Túp lều đá” chở che cho con người cổ đại thủa hồng hoang.
Trải qua hàng vạn năm phát triển, giờ đây kiến trúc đã trở thành diện mạo của trái đất, diện mạo của từng lãnh thổ, từng quốc gia với bản sắc văn hóa khác nhau. Nhưng dù bắt đầu từ túp lều đá sơ khai cho đến những tòa nhà chọc trời hiện đại cao vài trăm mét ở Đu-bai, thì kiến trúc vẫn luôn mang một sứ mệnh vẻ vang và nhân văn là phục vụ cuộc sống của con người.
Thế giới hôm nay đã và đang hướng tới kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, kiến trúc sinh thái và những đô thị thông minh, đô thị sống tốt… Ở nước ta, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên phát triển với mục tiêu là đô thị đáng sống. Còn TP.HCM thì quyết tâm xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Văn minh, hiện đại là khái niệm đánh giá sự phát triển về khoa học công nghệ, về trình độ văn hóa, tri thức của cư dân đô thị để tạo nên lối sống mới, nếp sống mới phù hợp với sự phát triển của thời đại mới. Để đạt được điều đó nhiều quốc gia đã phải trả giá bằng nhiều thập kỷ với sự lao động xây dựng cần cù, miệt mài, không ngơi nghỉ của nhiều thế hệ. Mà Nhật Bản, Hàn Quốc là những ví dụ sinh động của châu Á.
Nhưng để trở thành đô thị có chất lượng sống tốt, nghĩa tình thì không nhất thiết đô thị đó phải thật hiện đại, thật văn minh với nhiều tòa nhà chọc trời, những tuyến giao thông lập thể chằng chịt ngang dọc thành phố với nườm nượp xe ôtô đời mới… Vương quốc Bhutan là một đất nước như vậy. Đất nước này có 60% diện tích là rừng, núi, đồng cỏ phủ một màu xanh bát ngát. Ở vương quốc Trung Á này bầu không khí không hề bị ô nhiễm bởi khí thải công nghiệp. Môi trường sống rất trong lành. Hệ sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt. Người dân sống trong những đô thị nhỏ bé với những ngôi nhà thấp tầng giản dị hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đất nước Phật giáo tươi đẹp này đã có những chính sách để mỗi người dân Bhutan trở thành người chủ thực sự của nước mình, và vì thế họ tự biết bảo vệ, chăm sóc tài nguyên thiên nhiên của vương quốc. Bhutan là một trong những nước nghèo kém phát triển nhất thế giới, GDP đầu người chỉ đạt 3.500USD nhưng Bhutan lại được mệnh danh là nơi sống hạnh phúc nhất hành tinh.
Việt Nam chúng ta vài năm trở lại đây phát triển xu hướng kiến trúc vì cộng đồng, vì xã hội. Chương trình nhà ở cho người nghèo đô thị, người thu nhập thấp đã và đang được triển khai thành công trên khắp cả nước với gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng của Chính phủ đã tạo cú huých để kiến trúc vì cộng đồng phát triển. Chương trình nhà ở cho người dân vùng lũ lụt miền Trung thể hiện sâu sắc tính nhân văn của chế độ, là cơ hội để kiến trúc nghĩa tình cất tiếng nói. Kiến trúc nghĩa tình không hề xa lạ mà rất gần gũi quanh ta. Nó được tạo nên bởi những vật liệu truyền thống, rẻ tiền, không cao sang, thậm chí còn ít hơi hướng của khoa học công nghệ hiện đại mà vẫn rất văn hóa, văn minh. Nhiều KTS Việt Nam đang say mê, dũng cảm dấn thân tìm tòi sáng tạo theo xu hướng kiến trúc vì cộng đồng, kiến trúc nghĩa tình, mà Hoàng Thúc Hào là tiêu biểu.
Ngày 27/4 hàng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam, ngày này cách đây 68 năm, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng và căn dặn nhân Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc (27/4/1948), nay là Hội KTS Việt Nam. Trong thư Bác đã nhắc nhở KTS phải quan tâm đến nhà ở thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị, cao ráo và rẻ tiền. Lời dạy của Người năm xưa đã trở thành tư tưởng, kim chỉ nam cho sáng tác của KTS và cho nền kiến trúc nước nhà. Nước ta còn nghèo, nhưng vẫn có thể xây dựng được những đô thị có chất lượng sống tốt nếu tất cả cùng đồng lòng chung tay, góp sức chăm lo cho mái nhà chung của mình. Khi ấy, Kiến trúc nghĩa tình sẽ là tổ ấm yêu thương, bền vững và thân thiện chở che cho con người.
KTS Phạm Thanh Tùng/ Báo Xây Dựng