Những thành công của Kiến trúc sư Việt Nam dù mới ở tầm quốc gia thì cũng vô cùng quý.
Không hiếm những khu nghỉ đẹp, những ngôi nhà đẹp ở khắp nơi trên đất nước ta đã chứng tỏ năng lực tự làm của giới KTS nước nhà đã vượt lên được một tầm đáng mừng.
Song như thế vẫn còn chưa đủ, vẫn là quá ít, quá manh mún và chưa thể được gọi là cơ bản so với những gì chúng ta hằng trông đợi.
Những tác động…
Có thể nói thực trạng hành nghề KTS ở ta là một bức tranh không mấy sáng sủa, gây nhiều lo ngại. Dường như chúng ta còn chưa tháo gỡ xong những rào cản, những hạn chế kìm hãm sức sáng tạo, chưa giải mã xong những vướng mắc trong lý luận nghiệp vụ, trong mối quan hệ tay ba giữa nhà quản lý, chủ đầu tư và KTS.
Lẽ thường, mọi chủ đầu tư đều có sẵn trong đầu nhiều ý tưởng, nhiều tham vọng về công trình mình hằng ao ước muốn giao cho KTS thực hiện. Nếu họ biết lắng nghe nhà chuyên môn, lại gặp được người thiết kế có trình độ thì sự kết hợp giữa một bên có tiền với một bên giỏi nghề sẽ là điều quá tuyệt vời. Song trong thực tế của ta hiện nay vẫn thường xảy ra tình trạng ngược lại. Nhiều chủ đầu tư thiếu tôn trọng KTS, coi họ là kẻ làm thuê phải phục tùng ý muốn của mình. Khi đó thì hoặc nhà kiến trúc tự trọng sẽ bỏ đi, hoặc nhà kiến trúc thức thời sẽ tương kế tựu kế để sẵn sàng xếp chất lượng nghệ thuật xuống hàng thứ yếu, miễn sao ký được hợp đồng để có tiền.
KTS bậc thầy thế giới Mies van der Rohe từng nói: “Tôi không bao giờ bàn bạc với khách hàng về kiến trúc. Tôi chỉ trò chuyện với họ về thời tiết hay hỏi han về con cái họ”.
Cho dù khách hàng có thông minh đi chăng nữa thì trách nhiệm về chất lượng công trình kiến trúc vẫn thuộc về người có tay nghề. Có điều là trong thiết kế kiến trúc, việc tự tương tự tác lại thường xảy ra. Bởi một ngôi nhà thô kệch, thiếu hợp lý không thể gây chết người. Không ít những người từng tự xây tường, đổ sàn khá nguy hiểm nhưng vì bớt được tiền thuê thiết kế mà vẫn thành nhà nên họ vẫn sống bình thản và tự đắc vì “thành tích tiết kiệm”. Lại có người vì muốn bớt tiền thuê KTS, tự vẽ ngôi nhà rất lỉnh kỉnh, luộm thuộm mà vẫn hài lòng. Tuy nhiên, nếu gặp phải KTS tồi thì hỏng cả nhà lẫn đất mà vẫn tốn tiền.
Khách hàng tư nhân đã vậy. Nếu chủ đầu tư là Nhà nước thì vấn đề còn phức tạp hơn nhiều. Những việc lớn như quy hoạch thì có rất nhiều người, nhiều bộ phận tham gia – KTS khó làm nổi chức năng người tổ hợp. Thường thì chính người có quyền tối thượng ra quyết định theo nguyên tắc quy hoạch là ý chí của lãnh đạo. Đó là nhận thức ấu trĩ của mọt vài người từng có chức quyền. Nếu cứ lãnh đạo là làm được quy hoạch đô thị thì KTS chỉ còn là con rối, đầu sai. Công bằng mà nói, nếu sự sáng tạo của KTS có được sự đồng hành của người cầm quyền thì công việc sẽ thuận lợi hơn gấp bội phần.
…Và hệ luỵ
Một tệ nạn quá buồn ở nước ta đang hoành hành dai dẳng làm băng hoại môi trường hành nghề kiến trúc hiện nay, đó là tệ “lại quả”. Nếu vốn đầu tư công trình là tiền công, tiền “chùa” thì điều người cầm vốn quan tâm trước tiên chưa phải ở chỗ chất lượng thiết kế cao hay thấp, mà là anh thối lại cho tôi được bao nhiêu, thối nhiều ắt thắng.
Nhiều ban bệ, nhiều cuộc đấu thầu chỉ là màn công diễn giả vờ sau khi các cuộc đi đêm đã hoàn tất. Tỷ số đã được mua bán xong từ trước khi trái bóng lăn. Điều này sinh ra một tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, không thực chất, làm phát triển công nghệ lobby tinh quái. Bước vào phòng hội đồng, chỉ lướt qua đã có thể đoán được người thắng cuộc. Thực tế đó dẫn đến việc những người làm nghề phải học cách chạy vòng ngoài nếu muốn có công việc, khiến đạo đức nghề bị xói mòn, môi trường sáng tạo bị chặn đứng, người giàu lòng tự trọng thì nản lòng.
Mặt khác, ngay trong nhân tố quan trọng nhất, quyết định nhất cho kết quả sáng tạo bộ mặt đất nước là KTS hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Không đâu như ở ta, KTS bị lép vế trước chủ đầu tư và nhà thầu. Đến nỗi luật pháp cũng quy định KTS không có trong thành phần các Hội đồng nghiệm thu sau khi công trình đã hoàn tất. Đến nỗi khi báo chí đưa tin về vụ việc khánh thành một công trình nào đó cũng chỉ nói đến chủ đầu tư và đơn vị thi công xây dựng mà không hề nhắc đến tên tuổi người thiết kế.
Ở nước Nga có hẳn Luật bảo đảm bản quyền tác giả với công trình cả sau khi tác giả đã qua đời. Còn ở ta, người chủ sở hữu có thể tuỳ ý thay đổi sửa chữa bất cứ chỗ nào trong công trình, dù những thay đổi đó có làm cho công trình tồi đi.
Cũng chính vì những yếu thế đó, lực lượng làm nghề KTS của ta khá nhạy cảm để thích nghi với cuộc sống thực ngoài xã hội, là tiền đề của những phân hoá sâu trong đội ngũ. Thay vì lo sáng tạo chuyên môn, phần đông KTS Việt Nam tìm những việc ngoài nghề để kiếm sống. Trong vòng mười năm trở lại đây, các cơ sở tư vấn đầu tư xây dựng phát triển rộng khắp, nhưng chất lượng chưa phải đã đồng đều, lại manh mún, tản mạn. Những đơn vị có uy tín cũng vẫn hoạt động rời rạc, đơn lẻ, thiếu sự liên kết để trở thành những doanh nghiệp lớn.
Những tồn tại đó chưa phải là đủ nhưng chừng nào chúng ta chưa thay đổi nhận thức và các biện pháp ứng xử thì nền kiến trúc của chúng ta còn tiếp tục bị xuống hạng, thua thiệt ngay trong sân nhà mình trong tiến trình hội nhập này.
Theo TS.KTS Trần Trọng Chi/ Baoxaydung.com.vn