Được mệnh danh là “nghề hào hoa nhất trong tất cả các nghề”, Kiến trúc chưa bao giờ mất đi sức hút mãnh liệt đối với giới trẻ, nhất là trong giai đoạn cái đẹp ngày càng lên ngôi và chi phối mạnh mẽ đến đời sống như hiện nay.
Kiến trúc sư – người “định hình” thế giới tương lai
Kiến trúc là một ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực: nghệ thuật và kỹ thuật. Một kiến trúc sư giỏi là người biết dung hòa hai lĩnh vực có vẻ mâu thuẫn đó, dựa trên những cơ sở kỹ thuật chính xác để thăng hoa cùng những sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Bởi vậy, người ta thường ví kiến trúc sư như một nhà toán học mang tâm hồn lãng mạn của một nghệ sỹ.
Để học ngành Kiến trúc bạn cần có năng khiếu vẽ. Trên hết, bạn cần có khả năng tính toán và óc tổ chức thẩm mỹ nghệ thuật để mang đến vẻ đẹp hoàn hảo cho tác phẩm kiến trúc mà không bỏ qua yếu tố kinh tế.
Công việc của một kiến trúc sư là thiết kế mặt bằng, không gian, hình thức, cấu trúc của một công trình và cung cấp những giải pháp về kiến trúc (công năng, thẩm mỹ, giải pháp kĩ thuật) ở các lĩnh vực xây dựng khác nhau. Xuất phát từ nhu cầu thực tế về nơi ở, vui chơi, làm việc, đi lại… kiến trúc sư sẽ cho ra đời những bản thiết kế, mô hình, đồ án… và vận dụng công nghệ thông tin để đưa ra những không gian ảo, từ đó thi công xây dựng công trình hoàn chỉnh. Những tòa nhà, con đường, cây cầu, công viên cho đến khu phố, khu đô thị và cả thế giới tương lai đều được “định hình” từ khối óc chính xác, trái tim lãng mạn, tâm hồn bay bổng và đam mê cháy bỏng của những kiến trúc sư tài ba.
Thành công từ sự “phá vỡ quy tắc”
Bản thiết kế của bạn bị chi phối bởi rất nhiều nguyên tắc do khách hàng đặt ra: “Nhà phải cao 3 tầng”, “Nhà phải cách mặt đường 7m”, “Cầu thang phải xây bên tay phải”,… Ngoài việc đáp ứng yêu cầu, bạn sẽ thực sự thành công nếu có thể phá vỡ những quy tắc đó để đưa ra một giải pháp tốt hơn và thương thảo với khách hàng. Việc phá vỡ quy tắc đúng chỗ sẽ giúp cho bản thiết kế trở nên khác biệt, độc đáo. Sức hấp dẫn của kiến trúc và nghệ thuật luôn khởi điểm từ những đáp án bất ngờ như thế.
Nghề “không chỉ để kiếm sống”
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực ngành Kiến trúc luôn cao. Giai đoạn 2013-2015, xu hướng đến 2020-2025, Kiến trúc – Xây dựng được dự đoán là 1 trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất tại TP.HCM, với khoảng 10.800 người/năm. Do đó, học ngành Kiến trúc bạn sẽ không phải lo lắng về vấn đề việc làm, và dễ dàng đứng ở vị trí “chọn việc” hơn là “tìm việc”.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng phát biểu: “Kiến trúc sư cũng là một nghề, nhưng không phải một nghề để kiếm sống”. Là một kiến trúc sư, bạn sẽ dễ dàng tìm được những cơ hội tuyển dụng tại các công ty kiến trúc, tập đoàn thiết kế – xây dựng với mức lương cao, chế độ ưu đãi tốt. Thêm vào đó, những dự án ngoài cùng những khoản thu nhập không giới hạn luôn nằm trong tầm tay của những kiến trúc sư giỏi và năng động. Tuy nhiên, sức hấp dẫn thực sự của nghề Kiến trúc thường không phải từ góc độ hào hoa hay khả năng kiếm tiền mà chính ở khía cạnh “không chỉ để kiếm sống” của nó – gắn liền với thiên chức kiến tạo thế giới và làm đẹp cho đời của một kiến trúc sư.
Tất nhiên, thành công và sự giàu có sẽ là vượt trội nếu bạn có những ý tưởng sáng tạo độc đáo, bản lĩnh trong việc khẳng định phong cách thiết kế kiến trúc chuyên nghiệp hoặc có bề dày kinh nghiệm được tích lũy theo năm tháng.
Theo Phapluatonline