Địa chỉ
Gọi trực tiếp
Chat FB
Chat Zalo

Thiết kế kiến trúc cảnh quan bờ sông Hồng tại quận Long Biên

Khác với khu phía Tây, khu phía Đông, đặc biệt là quận Long Biên hội tụ đầy đủ lợi thế để trở thành một trung tâm đô thị phát triển bền vững, đảm bảo cả yếu tố kinh tế, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.

Khu vực ven sông Hồng được định hướng phát triển thành hành lang xanh trung tâm của thủ đô theo Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 và đoạn sông Hồng chảy qua địa bàn quận Long Biên sẽ trở thành trung tâm của không gian xanh này. Chính vì vị trí quan trọng, kết hợp với những yếu tố đặc trưng về địa hình, thủy văn và cả về dân cư, văn hóa – xã hội nơi đây, thì cần phải có những giải pháp thiết kế kiến trúc phù hợp để đảm bảo cho sự phát triển tổng thể của quận Long Biên nói riêng và của toàn TP Hà Nội nói chung.

Những giải pháp thiết kế thuận theo tự nhiên

Thiết kế dựa theo thiên nhiên (NBS)

Các giải pháp dựa vào thiên nhiên đề cập đến một loạt hành động hoặc chính sách khai thác sức mạnh của thiên nhiên để giải quyết một số thách thức xã hội cấp bách nhất của chúng ta, chẳng hạn như các mối đe dọa đối với an ninh nguồn nước, nguy cơ thiên tai gia tăng hoặc biến đổi khí hậu.

Những giải pháp này liên quan đến việc bảo vệ, khôi phục và quản lý bền vững các hệ sinh thái theo cách tăng khả năng phục hồi và khả năng giải quyết những thách thức xã hội đó, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện phúc lợi của con người.

Thiết kế kiến trúc cảnh quan bờ sông Hồng tại quận Long Biên

Thiết kế nhạy cảm với nước
Thiết kế đô thị nhạy cảm về nước (WSUD) tích hợp việc quản lý chu trình nước với môi trường xây dựng thông qua quy hoạch và thiết kế đô thị. Đây là một khái niệm về quy hoạch đô thị dài hạn mang tính thích nghi dựa trên hệ sinh thái và mô phỏng sự cân bằng của nước trong tự nhiên.
Thiết kế kiến trúc cảnh quan bờ sông Hồng tại quận Long Biên
Nó có thể tăng cường những giá trị đáng sống cho cư dân đô thị và cải thiện sự đa dạng sinh học ở đô thị. Các công cụ WSUD bao gồm thiết kế kênh dẫn nước sinh thái, đầm thủy sinh, thảm lọc nước sinh thái hoặc các hồ điều tiết, mái nhà xanh, mặt lát (đường, vỉa hè,..v..v..) thấm nước , giếng thấm nước và các thảm lọc sinh thái tuần hoàn.
Khái niệm và các công cụ của WSUD đủ linh hoạt để đưa vào trong các loại hình kiến trúc cảnh quan đô thị khác nhau. Những không gian mở lớn với các dòng nước, một công trình xây dựng, nơi tụ họp của người dân và các cảnh quan cứng (bãi đỗ xe và đường sá) là những giải pháp ứng dụng điển hình. Trong bất kỳ trường hợp nào, cảnh quan mềm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, xử lý và vận chuyển nước phục vụ nhiều mục đích khác nhau: giảm thiểu ngập lụt, thu nước bề mặt và tái sử dụng, giảm nhiệt độ, và phục vụ hoạt động giải trí với giá trị gia tăng về mặt sinh thái.
 Khái niệm và các công cụ của WSUD đủ linh hoạt để đưa vào trong các loại hình cảnh quan đô thị khác nhau.

Đặc điểm đoạn sông Hồng chạy qua quận Long Biên

Về lịch sử
Từ thời Pháp thuộc, khu vực quận Long Biên nằm sát sông Hồng và con đường thiên lý Bắc – Nam còn được biết đến với tên gọi Gia Lâm phố. Nhận thấy đây là một tiền đồn có tầm quan trọng nhất định trong việc bảo vệ thành phố Hà Nội thuộc Pháp, chính quyền thực dân đã cho xây dựng cầu Doumer (ngày nay là cầu Long Biên), phi trường Gia Lâm, đường thuộc địa số 5 (ngày nay là quốc lộ 5) đến Hải Phòng, cũng như củng cố đường thuộc địa số 1 nhằm đảm bảo liên lạc giữa Hà Nội và các tỉnh tả ngạn sông Hồng.
Đặc điểm đoạn sông Hồng chạy qua quận Long Biên
Về vị trí địa lý
Quận Long Biên có vị trí đặc biệt nằm giữa sông Hồng và sông Đuống, có 3 mặt giáp với bờ sông. Đoạn sông Hồng chảy qua kết nối trực tiếp với trung tâm Hà Nội. Đây cũng là nơi có lợi thế rất lớn về cảnh quan thiên nhiên khi sở hữu hai dòng sông là sông Hồng và sông Đuống. Sông Hồng và sông Đuống không chỉ là điểm cộng về cảnh quan cho vùng đất này, mà còn là dòng sông quan trọng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam.
Nếu so sánh về vị trí địa lý, Long Biên cũng vô cùng thuận tiện khi đây là nơi có vị trí gần phố cổ nhất trong tất cả các quận ngoại thành. Long Biên chỉ cách phố cổ Hà Nội khoảng 1km, lại rất gần các khu công nghiệp lớn nhất của phía Bắc: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh
Về định hướng phát triển
Hà Nội công bố kế hoạch lập Quy hoạch giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2030 theo Luật Quy hoạch 2017, theo đồ án quy hoạch, quận Long Biên phát triển đô thị dựa vào cảnh quan thiên nhiên hiện có, kết nối khu vực hành lang xanh giữa sông Hồng và sông Đuống. Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn. Theo quy hoạch, khu vực ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ là nơi ở của 97.000 hộ dân trong tương lai. Khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc đại phận quận Long Biên đang được định hướng để phát triển thành công viên, nằm trong tổng thể quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Khu vực bãi bồi, bãi giữa Sông Hồng đoạn chảy qua quận Long Biên có đặc điểm sinh học đa dạng, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Một thuộc tính quan trọng của khu vực này là sự chuyển tiếp giữa không gian thiên nhiên, mặt nước cây xanh tự nhiên và không gian đô thị, giữa không gian đóng và không gian mở, giữa hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái mặt nước. Bãi bồi, bãi giữa ven sông biến đổi tùy theo chu kỳ mực nước dâng.
Tổng diện tích đất tự nhiên ở các khu vực bãi sông của TP là hơn 39.756 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 20.081 ha (chiếm 50,51%), diện tích các khu dân cư hiện có là 4.557 ha (chiếm 11,46%), còn lại là đất tự nhiên. Tại khu vực bãi giữa sông Hồng tren địa bàn quận Long Biên, mặc dù là các khu vực bãi sông song mật độ dân cư tập trung khá cao, lên tới 1600 người/km². Tình trạng xâm lấn đất tự nhiên chuyển hóa dần thành các khu ở bất quy tắc đang diễn ra tại các khu dân cư ven sông.
Về đặc điểm địa chất, thủy văn
Đối với khu vực ven sông, chủ yếu là mực nước lên xuống thất thường khiến các dải thực vật bị khô hạn vào mùa cạn và ngập lụt vào mùa mưa. Tác động của sự biến đổi thất thường của mực nước sông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hệ động thực vật, sự mất cân bằng sinh thái thiên nhiên, mà còn ảnh hưởng tời các hoạt động sản xuất nông nghiệp của cư dân ven sông.
Điều kiện nóng khô và cạn nước sẽ chỉ một số loài cây dại sống được. Khi nước ngập vào mùa lũ, chỉ một số loài cây thích nghi sống trong nước ngập. Một số cây cao tạo nên những điểm nhấn của không gian mặt nước.
Trong mùa nước, hoạt động sản xuất và đi lại của cư dân ven sông gặp nhiều khó khăn. Những sinh hoạt vui chơi giải trí bị ngừng trệ. Tất cả đặt ra những bài toán đầy thách thức cho việc cải tạo kiến trúc cảnh quan bãi bồi bãi nổi ven sông tại khu vực quận Long Biên. Câu hỏi được đặt ra là:
1. Làm thế nào chúng ta có thể khai thác cảnh quan thiên nhiên ven sông một cách hữu hiệu mà vẫn có thể đảm bảo thực hiện các mục tiêu về bảo vệ hệ sinh thái thiên nhiên kết hợp các hoạt động kinh tế du lịch?
2. Bằng cách nào để có thể kết nối cộng sinh mối quan hệ giữa không gian tự nhiên ven sông với không gian đô thị phía trong như một không gian mở hướng từ nhà phố ra công viên sông?
3. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, việc thiết kế kiến trúc, cảnh quan cần phải được giải quyết như thế nào để có thể đáp ứng các nhu cầu rất khác nhau của hai mùa khô và mùa nước.