Ở Việt Nam, trong những năm cuối của thập kỷ 20, cùng với quá trình đô thị hoá diễn ra ngày càng sôi động, sự gia tăng dân số cơ học đã làm cho quỹ đất ngày càng thu hẹp, tạo áp lực lớn về nhu cầu ở tại các đô thị.
Chung cư cao tầng là giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết chỗ ở cho nhiều người dân, tiết kiệm quỹ đất, tăng diện tích cây xanh và các công trình công cộng, đồng thời góp phần tạo nên bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại.
Đây là giải pháp sử dụng đất có hiệu quả nhất, đặc biệt trong điều kiện đất đô thị đang ngày càng chật hẹp và trở nên khan hiếm, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đó còn là giải pháp tốt nhất trong công tác quy hoạch đô thị, giúp cho việc quản lý, phát triển đô thị không những chỉ về mặt không gian kiến trúc mà còn về phương diện quản lý hành chính, xã hội.
Với các tiện ích và ưu điểm của nhà chung cư cao tầng như không gian sống thoáng đãng, có cảnh quan đẹp, mang lại nhiều lựa chọn cho khách hàng về diện tích căn hộ đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.
Các chung cư được thiết kế kiến trúc hợp lý, tích hợp các tiện ích như: trung tâm mua sắm, bể bơi, rạp chiếu phim, phòng tập gym, spa… đã tiết kiệm thời gian đi lại, mua sắm, vui chơi giải trí của người dân.
Vì thế xây dựng nhà chung cư cao tầng đang là xu hướng phát triển của loại hình nhà ở này ở Việt Nam và trên thế giới. Bên cạnh đó việc đất xây dựng trong các khu đô thị ngày càng khan hiếm thì việc xây dựng các khu chung cư cao tầng và các nhà đa năng sẽ là giải pháp hữu hiệu đang được nhiều đô thị lựa chọn để làm tăng hiệu quả sử dụng đất.
Nhà chung cư cao tầng được xây dựng theo dự án với sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường đã tạo ra diện mạo mới cho đô thị văn minh. Đối với Việt Nam, chủ trương phát triển chung cư cao tầng còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo nguồn ngân sách lớn cho nhà nước.
Tuy nhiên việc xây dựng và quản lý nhà chung cư nhà ở cao tầng là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh trong hành lang pháp lý.
Việc phải đáp ứng các quy định về kiểm soát chức năng xây dựng công trình, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị về diện tích, khoảng lùi tối thiểu; tầng cao, mật độ, khả năng tiếp cận về giao thông, giao thông tĩnh và các quy định về phòng cháy, chữa cháy… đòi hỏi phải có những quy định phù hợp.
Mặc dù, đã có có các nghiên cứu về kiến trúc quy hoạch nhà chung cư cao tầng và các bộ, Ngành cũng đã ban hành một số tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về vấn đề này nhưng thực tế vấn đề quản lý, xây dựng các chung cư cao tầng không phải lúc nào cũng đúng với quy định, nhất là trong khu vực hạn chế phát triển, xây dựng xen kẹt trong các đô thị.
Vẫn còn một số vấn đề tồn tại trong quy hoạch kiến trúc, xây dựng và môi trường trong nhà cao tầng ở Việt Nam nói chung và nhà chung cư cao tầng nói riêng. Bất cập lớn ở các khu đô thị mới là thiếu sự đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị với hạ tầng bên ngoài các khu đô thị mà cụ thể là sự liên thông và kết nối giao thông, thoát nước, xử lý nước thải… không đảm bảo. Nhiều khu đô thị được xây dựng khá đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật ở bên trong ranh giới đất được giao, bên ngoài khu vực dự án thì còn nhiều bất cập.
Sự khớp nối giữa các công trình hạ tầng bên trong và bên ngoài hàng rào chưa có hoặc nếu có cũng không được tuân thủ nghiêm chỉnh. Tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại các cửa ra vào ở khu đô thị mới. Việc thiếu các bãi đỗ xe và lấn chiếm đường vỉa hè để đỗ xe đã xuất hiện tại nhiều khu đô thị mới.
Một số đô thị do cao độ nền bên trong cao hơn hoặc thấp hơn khu vực xung quanh trong khi đó không có sự khớp nối hệ thống thoát nước đã gây hậu quả ngập úng, khó tiêu thoát. Nhiều nơi, việc cung cấp nước sạch không đảm bảo, chất lượng nước còn có nhiều vấn đề, hệ thống chiếu sáng tại một số khu vực trong khu đô thị còn thiếu.
Để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong thiết kế xây dựng nhà chung cư cao tầng như đã nêu, từng bước cần phải xây dựng và hoàn chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đối với nhà cao tầng. Các quy định phải tiệm cận với yêu cầu thực tế và làm rõ những yêu cầu cần quản lý và phải có những chính sách phù hợp của nhà nước và của chính quyền địa phương.