Khác với báo cáo nghiên cứu khả thi, nội dung tư vấn đầu tư xây dựng công trình được phân định rõ thành hai phần: thuyết minh và thiết kế cơ sở trong đó phần thiết kế cơ sở phải thể hiện được các giải pháp thiết kế chủ yếu, bảo đảm đủ điều kiện xác định tổng mức đầu tư và triển khai các bước thiết kế kiến trúc tiếp theo.
DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LÀ GÌ?
Căn cứ theo Khoản 15 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014, khái niệm của dự án đầu tư xây dựng được giải thích như sau: Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất liên quan đến việc sử dụng vốn để thực hiện xây dựng mới, cải tạo và sửa chữa công trình, nhằm phát triển, duy trì và nâng cao chất lượng của công trình, dịch vụ hoặc sản phẩm trong thời hạn, chi phí xác định.
Ở giai đoạn chuẩn bị, dự án đầu tư xây dựng cần được thể hiện qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hay Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.
Trong đó, hoạt động xây dựng sẽ gồm các công việc theo quy định tại Khoản 21 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 gồm:
– Khảo sát xây dựng;
– Thiết kế xây dựng;
– Lập quy hoạch xây dựng;
– Thi công xây dựng;
– Lập dự án đầu tư xây dựng công trình;
– Giám sát xây dựng;
– Quản lý dự án;
– Lựa chọn nhà thầu;
– Nghiệm thu công trình xây dựng và bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì;
– Các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Về nguồn vốn:
Khi đầu tư xây dựng công trình, trước hết phải có vốn. Vốn có thể bằng tiền, bằng các loại tài sản khác như máy móc thiết bị, nhà xưởng, công trình xây dựng khác, giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, giá trị quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển, các nguồn tài nguyên khác. Vốn cũng có thể là nguồn vốn Nhà nước, vốn tư nhân, vốn góp, vốn cổ phần, vốn vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn.
Thời gian đầu tư:
Thời gian đầu tư thường tương đối dài, thường từ 2 năm trở lên, có thể đến 50 năm. Những hoạt động ngắn hạn trong vòng một năm tài chính không được gọi là đầu tư.
CÁC LOẠI DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG?
Hiện nay, có rất nhiều dự án đầu tư xây dựng khác nhau. Tùy theo tiêu chí phân loại và quy định đối với từng nhóm dự án đầu tư xây dựng, chúng sẽ có thủ tục, quy trình, quản lý và cách thức thực hiện riêng.
Về cơ bản, cách phân loại dự án đầu tư xây dựng được xác định dựa trên quy định tại Điều 5 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, phân loại dự án đầu tư xây dựng theo quy mô, tính chất và loại công trình chính gồm 4 nhóm:
- Dự án công trình quan trọng quốc gia
- Dự án công trình nhóm A
- Dự án công trình nhóm B
- Dự án công trình nhóm C
Mỗi nhóm dự án sẽ được quy định những tiêu chí cụ thể quy mô, tính chất và loại công trình chính tại Phụ lục số 1 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Thứ hai, loại dự án đầu tư xây dựng chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, gồm 2 nhóm:
- Dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng cho mục đích tôn giáo
- Dự án đầu tư xây dựng công trình mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình, có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không gồm tiền sử dụng đất).
Thứ ba, phân loại dự án đầu tư xây dựng theo loại nguồn vốn sử dụng gồm 3 nhóm:
- Dự án đầu tư công trình xây dựng có vốn ngoài ngân sách
- Dự án đầu tư công trình xây dựng có sử dụng nguồn vốn khác
- Dự án đầu tư công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách của nhà nước
Ngoài ra, dự án tư vấn đầu tư xây dựng cũng có thể được phân loại theo từng hạng mục như: lập dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng và chung cư cho thuê, nhà ở, nhà nghỉ, khách sạn, nhà cao tầng, văn phòng cho thuê, lò gạch, nhà máy, trạm dừng chân, khu công nghiệp, trường học, trung tâm thương mại, bệnh viện,…